Lịch sử Bắc_Lương

Năm 397 (Thần Man nguyên niên, Bắc Lương) Thư Cừ Mông Tốn làm phản Hậu Lương rồi tôn một quan thượng thư người Hán của Hậu Lương là Đoàn Nghiệp lên làm Lương Vương, đóng đô ở Trương Dịch (nay thuộc Cam Túc), sử gọi là Bắc Lương. Lữ Soạn đem 50 ngàn quân đánh nước Bắc Lương, bị đại bại tại Hợp Ly nên đành kéo quân về.

Năm 401, Mông Tốn lại giết Đoàn Nghiệp, tự lập làm vua, tước hiệu Trương Dịch Công, dời đô về Cô Tang, sau đó xưng là Hà Tây Vương. Năm 418 Bắc Lương là một chư hầu của Đông Tấn. Năm 429, Mông Tốn vượt sông Hoàng Hà, chinh phạt nước Tây Tần. Mông Tôn sai Thái tử Hưng Quốc đi tiền phong. Vua Tây Tần Khất Phục Mộ Mạt phản công phá thành và bắt được Hưng Quốc.

Mông Tốn coi trọng và hợp tác với địa chủ tộc Hán, chấn hưng học hiệu, tôn sùng Nho học, phát triển nông nghiệp, đề xướng tiết kiệm. Thế nhưng, chế độ chính trị không hoàn bị, triều đình không có kỷ cương, thưởng phạt không công minh.

Năm 433 Thư Cừ Mục Kiện lên ngôi vua, gả Công chúa Hưng Bình cho Thái Vũ Đế Thác Bạt Đào nhà Bắc Ngụy. Vua Ngụy phái An Tây Tướng quân Lý Thuận đến sắc phong cho Thư Cừ Mục Kiến làm Thứ sử Lương Châu, Hà Tây Vương.